Hiểu thế nào về mục tiêu tài chính? Cách thiết lập và hoàn thành mục tiêu tài chính cá nhân phù hợp

2845

Mục tiêu tài chính là gì? Làm thế nào để bạn có thể đặt mục tiêu tài chính, cũng như là xây dựng các kế hoạch tài chính cá nhân sao cho phù hợp. Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết này bạn nhé!

Bạn có nhớ khi còn nhỏ, mỗi khi bạn muốn sở hữu một món đồ gì đó, điều đầu tiên bạn nghĩ đến đó là bỏ heo đất để tiết kiệm. Cho đến khi nào bạn thực sự có đủ số tiền để mua được mà thôi.

Bắt đầu khi lớn lên, bạn kiếm được tiền, bạn bắt đầu cảm thấy vui mừng với số tiền mà mình kiếm được. Thế nhưng ý thức tiết kiệm của bạn giảm dần. Và từ đó, bạn biết rằng tình hình tài chính của mình có vấn đề.

Và bạn bắt đầu quay lại với mục tiêu tài chính của mình.

Có rất nhiều lý do khiến bạn cần phải cân nhắc đặt mục tiêu tài chính thật cẩn thận. Bạn biết rằng mình có rất nhiều thứ phải chi tiêu cũng như cần nhiều dự định cần phải thực hiện. Chính vì có rất nhiều điều cần thực hiện như vậy nên bạn cần biết cách thiết lập & hoàn thành mục tiêu tài chính phù hợp với khả năng của mình.

Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết được cách thức hoàn thành mục tiêu tài chính sao cho phù hợp bạn nhé!

1. Cần hiểu như thế nào về mục tiêu tài chính?

Thiết lập mục tiêu tài chính
Mỗi cá nhân đều có mục tiêu tài chính riêng.

Tài chính là sự vận động của dòng tiền. Và cách chúng ta phân bổ dòng tiền theo từng mục tiêu khác nhau. Một quốc gia, một thành phố, một doanh nghiệp, một cá nhân đều có những mục tiêu tài chính cho riêng mình.

Mục tiêu tài chính không nằm ở việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền, mà còn nằm ở cách bạn sử dụng tiền như thế nào. Bởi vì cho dù bạn có làm ra được nhiều tiền đến thế nào, nhưng bạn không có mục tiêu cụ thể thì sẽ không hình thành nên sự vận động của dòng tiền được. Cụ thể như mục tiêu tài chính của một quốc gia, ngoài mục tiêu thu ngân sách là bao nhiêu, thì còn là các mục tiêu đi kèm khác như là trả bao nhiêu nợ công, đầu tư bao nhiêu công trình lớn của cả nước, đầu tư nước ngoài là bao nhiêu…Một doanh nghiệp ngoài mục tiêu doanh thu, lợi nhuận thì còn có các mục tiêu khác như là đầu tư bao nhiêu, cắt giảm chi phí bao nhiêu.

Đến đây có lẽ bạn hiểu như thế nào là một mục tiêu tài chính mà bạn cần phải lên kế hoạch rồi chứ? Thông thường đích đến cuối cùng của một mục tiêu tài chính đó là: gia tăng thu nhập và giảm bớt chi phí. Đó là điều tuy nghe có vẻ dễ, nhưng để thực hiện được thì rất khó khăn.

2. Cách thiết lập và hoàn thành mục tiêu tài chính cá nhân phù hợp

Để có thể thiết lập & hoàn thành mục tiêu tài chính cá nhân, bạn cần tham khảo một số cách thức sau:

2.1 Đánh giá lại năng lực tài chính hiện tại của mình

Năng lực tài chính thể hiện ở việc bạn có thu nhập hàng tháng, hàng năm là bao nhiêu. Đồng thời chi phí sống của bạn thế nào, tiền nhàn rỗi là bao nhiêu, chi phí nợ như thế nào?

Việc đánh giá lại năng lực tài chính như là một việc nhìn lại xem thử năng lực của mình là bao nhiêu. Bởi vì mọi mục tiêu và kế hoạch tài chính cần được xây dựng dựa trên năng lực thực tế hiện tại. Và cả trong tương lai. Chính vì thế, đánh giá năng lực tài chính rất cần sự nghiêm túc nhìn nhận rõ ràng từ bạn. Đừng bỏ qua bất kỳ một khoản thu nhập nào, cũng như là khoản chi phí nào. Vì nó sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu của bạn sau này.

2.2 Thiết lập mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn

Thiết lập mục tiêu tài chính
Đề ra những mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn cho bản thân

Tài chính là một vấn đề theo chúng ta suốt cả cuộc đời. Bởi vì nó gắn liền với mọi hoạt động trong cuộc sống. Và do đó, bạn cần xác định được đâu là kế hoạch tài chính ngắn hạn và đâu là kế hoạch tài chính dài hạn của mình.

Mục tiêu tài chính ngắn hạn thường gắn liền với thu nhập trên thực tế của bạn. Cụ thể bạn có nhu cầu tăng thêm thu nhập bao nhiêu, trả những khoản nợ nào trước mắt. Nếu bạn là người đang làm ăn kinh doanh thì cần có mục tiêu doanh thu, lợi nhuận thế nào. Đó đều là những mục tiêu tài chính ngắn hạn, gắn liền với túi tiền của bạn hàng ngày. Và bạn cần có thói quen kiểm soát nó một cách đều đặn hơn bao giờ hết.

Mục tiêu tài chính dài hạn thường cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành nó. Giả sử mục tiêu của bạn là có một khoản sinh lời từ việc đầu tư bất động sản. Khoản sinh lời ấy không thể tính theo từng tháng mà là tính theo từng năm. Cứ mỗi năm trôi qua, khối bất động sản của bạn sẽ tăng trưởng lên theo từng thời kỳ. Và bạn cần phải chuẩn bị những điều kiện cần thiết, kể cả các vấn đề tài chính khác như là vay vốn ngân hàng để thực hiện được mục tiêu của mình.

2.3 Đưa ra những phương án dự phòng để tránh khỏi những rủi ro

Rủi ro tài chính
Luôn nghĩ đến những rủi ro có thể xảy ra với tài chính của bản thân

Trên con đường thực hiện mục tiêu của mình, bạn chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi những rủi ro nhất định.

Rủi ro ấy có thể đến từ lãi suất, nếu bạn đi vay nợ. Hay là đến từ những khoản chi phí phát sinh mà bạn không thể lường trước được. Vậy khi ở trong những tình huống ấy thì bạn sẽ phải làm như thế nào?

Tất nhiên, giải pháp mà phần lớn chúng ta thường lựa chọn đó là tập trung vào những vấn đề trước mắt, và kéo dài thời gian thực hiện mục tiêu tài chính của mình. Tùy vào tình hình của mỗi cá nhân mà bạn có thể linh động trong cách giải quyết của mình hơn.

2.4 Từng bước thực hiện mục tiêu tài chính cá nhân

Sau khi đã có sự đánh giá lại năng lực, cũng như đã lên cụ thể mục tiêu và tính toán trước được những phương án dự phòng, bước cuối cùng đó chính là hãy từng bước thực hiện mục tiêu tài chính của mình. Tất nhiên, mỗi người sẽ có cho riêng mình những cách thức thực hiện. Nhưng nhìn chung thì bạn cần rèn luyện những thói quen sau:

  • Hãy có ý thức tiết kiệm để tạo ra nguồn tiền nhàn rỗi.
  • Làm việc chăm chỉ để tăng thêm thu nhập
  • Luôn cập nhật các thông tin về thị trường để trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết.
  • Hãy luôn kiên trì, bền bỉ với mục tiêu tài chính của mình.

Trên đây là những phương thức cơ bản để giúp bạn có thể hoàn thành được mục tiêu tài chính cá nhân của mình một cách nhanh chóng, đơn giản và hiệu quả hơn bao giờ hết. Hãy cùng theo dõi thêm một số các bài viết về tài chính cá nhân để bắt đầu xây dựng mục tiêu cho mình bạn nhé!

0 / 5. 0