10 bước để biến ý tưởng kinh doanh thành sự thật

1803

Bạn có một ý tưởng kinh doanh hay? Như thế vẫn còn chưa đủ. Bạn phải biết cách biến ý tưởng đó trở thành sự thật. Hãy cùng tham khảo ngay thông qua 10 bước này bạn nhé!

Năm 1992, một cậu thanh niên 21 tuổi bắt đầu nhập học tại Khoa Y, Đại Học Tây Nguyên. Với sự thông minh và ý chí thoát nghèo mãnh liệt của mình, ai cũng nghĩ rằng cậu ấy sẽ trở thành một bác sĩ xuất sắc. Sự thực là học ngành Y là một bước ngoặt trong cuộc đời cậu, nhưng theo một hướng khác. Bởi vì tâm trí cậu ấy hoàn toàn không dành cho ngành nghề cao quý này, mà lại thu hút với những hạt cà phê của núi rừng. Và điều gì đến cũng sẽ đến, chỉ hơn 2 năm sau, cậu bỏ học, chính thức đi theo tiếng gọi của đam mê.

Và có lẽ ít ai nghĩ rằng, cậu thanh niên chấp nhận gác lại con đường trở thành bác sĩ năm nào ấy lại trở thành “Vua Cà Phê”, góp phần mang cà phê Việt Nam lan tỏa khắp thế giới.

ông Đăng Lê Nguyên Vũ trở thành vua cà phê như thế nào?

Cậu thanh niên ấy chính Đặng Lê Nguyên Vũ.

Và trên dải đất Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung, có không ít những doanh nhân mang tầm vóc lớn từ những ý tưởng còn phôi thai như vậy trên ghế nhà trường. Từ một ý tưởng đến một sự nghiệp kinh doanh là cả một quãng đường gai góc. Thậm chí là có thể đánh đổi rất nhiều thứ. Nhưng cuối cùng, ý chí và niềm tin của con người với ý tưởng của mình sẽ làm nên tất cả.

Ý tưởng kinh doanh nghe qua thì thật hoành tráng, đầy hoài bão. Nhưng liệu rồi bao nhiêu ý tưởng ấy có thể trở thành sự thật? Điều đó phụ thuộc rất lớn ở khả năng của mỗi con người. Bài viết này hy vọng sẽ giúp bạn được phần nào trong việc biến ý tưởng kinh doanh hay của mình thành sự thật.

10 bước để biến ý tưởng kinh doanh thành sự thật

Bước 1: Nghiên cứu và tìm tòi những gì có liên quan đến ý tưởng đó

Nghiên cứu và tìm tòi những gì có liên quan đến ý tưởng đó

“Thương trường như chiến trường”. Không ai có thể bước ra thương trường mà trong tay không có vũ khí. Bạn có ý tưởng tốt, điều đó không có nghĩa là bạn sẽ thành công. Bởi vì đơn giản là ý tưởng của bạn hoàn toàn không có cơ sở nào chắc chắn. Có lẽ bạn cũng đã xem qua chương trình “Shark Tank” ở Việt Nam và cả nước ngoài. Điều khiến các “shark” (nhà đầu tư) quyết định không đầu tư vào một công ty, cho dù ý tưởng đó có tốt đến như thế nào, chỉ đơn giản vì không thể chứng minh được tiềm năng trong tương lai. Hay nói cách khác, ý tưởng kinh doanh ấy hoàn toàn không có cơ sở để chứng minh rằng nó sẽ phát triển. Chính vì thế, người khởi nghiệp cần phải nghiên cứu thật chuyên sâu. Đồng thời phải khai thác được ở trên nhiều phương diện có liên quan đến ý tưởng đó. Cụ thể như thị trường thế nào, nhu cầu khách hàng ra sao, cần làm gì để khác biệt với các đối thủ,…Đó là tất cả những gì mà bạn cần phải cân nhắc và suy nghĩ cho thật kỹ lưỡng trước khi bắt tay vào thực thi.

Bước 2: Chia sẻ ý tưởng với người có cùng chí hướng

“Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”. Hầu hết các công ty khởi nghiệp thành công đều có từ hai đồng sáng lập trở lên. Bởi họ là những người có cùng ý tưởng, chung niềm tin, và nỗ lực hết mình để gây dựng công ty. Xét về kinh nghiệm và kiến thức, mỗi người đều có những điểm mạnh riêng để đóng góp vào công ty. Một Microsoft thành công đến như vậy là nhờ vào sự táo bạo, thông minh của Bill Gates và một trí tuệ uyên thâm cùng tầm nhìn của Paul Allen. Một Apple trên đỉnh vinh quang là bởi một tầm nhìn đi trước thời đại của Steve Jobs và một bộ óc kỹ thuật thiên tài của Steve Wozniak. Một sự kết hợp hoàn hảo sẽ tạo nên những giá trị nhất định.

Bước 3: Hãy bắt đầu những bước tiếp cận đầu tiên

Phân tích thị trường xoay quanh ý tưởng kinh doanh

Những bước tiếp cận đầu tiên quyết định đến 80% tương lai của doanh nghiệp của bạn. Ở giai đoạn ban đầu, bạn phải thực hiện thăm dò và tìm hiểu thị trường. Một trong những minh chứng rõ rệt nhất cho việc ý tưởng kinh doanh của bạn có thành công hay không đó chính là ý tưởng của bạn có thực sự được khách hàng đón nhận hay không. Để xác định được điều này, bạn có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều thứ. Trong đó bao gồm cả sự từ chối, lời chế giễu, sự hiểu lầm….từ chính khách hàng, bạn bè và cả người thân. Trên tất cả, bạn phải thực sự nỗ lực để có thể vượt qua được bước này bởi vì đây là bước quan trọng mang ý tưởng va chạm với tình hình thực tế.

Bước 4: Xây dựng một đội ngũ cộng sự gắn kết

Ở đây chúng ta không nhắc đến chữ nhân viên. Bởi vì một doanh nghiệp thuở ban đầu đều rất cần đến những cộng sự giỏi và thực sự có tâm huyết. Với vai trò là người dẫn dắt công ty, bạn phải là người có thể truyền cảm hứng được đến với các cộng sự của mình. Mục đích là để họ có thể hiểu được tầm nhìn mà người đứng đầu công ty đã đặt ra. Từ đó sẽ nỗ lực để đưa công ty theo đúng với mục tiêu của mình. Một tôn chỉ thực tế, đầy cảm hứng của người thuyền trưởng sẽ đẩy một con thuyền doanh nghiệp đi ra xa. Đó chính là những gì mà bạn có thể cảm nhận được qua đội ngũ nhân viên của Thegioididong, của Vingroup,…và của rất nhiều các doanh nghiệp khác. Một đội ngũ cộng sự giỏi không nhất thiết phải toàn là những người giỏi. Nhưng khi họ kết hợp với nhau sẽ tạo nên một khối sức mạnh rất lớn.

Bước 5: Kêu gọi vốn kinh doanh

Kêu gọi vốn kinh doanh

Đây được xem là một giai đoạn bước ngoặt. Từ đó đánh dấu sự phát triển của công ty. Quá trình kêu gọi vốn kinh doanh cũng là một quá trình khá dài hơi và cũng có nhiều gian nan thử thách đi cùng. Thực tế doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận được với những nguồn vốn vay kinh doanh từ những tổ chức tài chính uy tín. Nhưng những nguồn vốn vay ban đầu khá ít ỏi và chỉ đủ để bạn có thể duy trì được hoạt động của công ty trong một thời gian ngắn. Cách tốt nhất đó chính là kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư, hoặc là những nhà đầu tư độc lập. Chẳng hạn như quỹ Seedcom đã đầu tư cho The Coffee House, Juno, Haravan,…; quỹ Mekong đầu tư vào Thegioididong, Nhất Tín Logistics,…; quỹ VinaCapital đầu tư vào Rever, và một số các dự án Bất động sản khác. Nhìn chung, các quỹ đầu tư tại Việt Nam hiện nay luôn sẵn sàng đầu tư cho các dự án tiềm năng. Chỉ cần bạn có một ý tưởng đủ tốt, đủ để thấy được tiềm năng thì bạn sẽ có cơ hội thuyết phục được các nhà đầu tư.

Bước 6: Kế hoạch mở rộng và phát triển

Sau khi ý tưởng kinh doanh của bạn đã nhận được đầu tư, công việc tiếp theo đó là lên kế hoạch mở rộng và phát triển doanh nghiệp. “Mở rộng” ở đây tức là chúng ta đưa doanh nghiệp của mình tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn. Chẳng hạn thegioididong ban đầu chỉ là cụm cửa hàng nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng hiện nay, chuỗi cửa hàng điện máy này đã phát triển hệ thống của mình trên khắp cả nước. Đồng thời còn phát triển thêm những mô hình kinh doanh đi kèm như Bachhoaxanh, Dienmayxanh. Sự đa dạng đến từ những ý tưởng và mô hình kinh doanh này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu một cách mạnh mẽ.

Bước 7: Vượt qua những rào cản từ thị trường

Vượt qua những rào cản từ thị trường

Có thể thời điểm ban đầu, ý tưởng của bạn là “độc nhất vô nhị” và chưa có ai làm. Nhưng khi bạn bắt đầu đi ra thị trường thì chắc chắn sẽ gặp nhiều rào cản. Một trong số đó chính là từ những đối thủ của bạn. Trong thời điểm này, đội ngũ nhân sự của công ty phải không ngừng bình tĩnh, linh hoạt và sáng tạo trong cách xử lý những khủng hoảng. Công việc lúc này không chỉ đơn giản là việc kinh doanh và giao tiếp với khách hàng nữa. Mà bạn còn phải xử lý những công việc liên quan đến sự “sống còn” của công ty. Khi doanh nghiệp của bạn đã đi đến bước này, điều đó nghĩa là bạn đã vượt qua được một hành trình rất dài. Và bước này chỉ đơn giản là những thách thức để quyết định xem liệu doanh nghiệp của bạn có trở nên lớn mạnh hơn nữa hay không.

Bước 8: Tập trung và lan tỏa giá trị thương hiệu

Sau khi đã ổn định về tài chính, hoàn thiện về kỹ năng và đã có được một chỗ đứng trên thị trường, ý tưởng của bạn phần nào đã đi đúng hướng. Việc bạn cần làm lúc này chính là hãy để giá trị thương hiệu lan tỏa. Xây dựng thương hiệu vốn không hề đơn giản. Bạn phải nỗ lực để thương hiệu ghi lại dấu ấn trong tâm trí của khách hàng. Đặc biệt là với khách hàng đại chúng. Ví dụ như nhắc đến cà phê, trên thị trường chúng ta cũng có rất nhiều thương hiệu cà phê thành công. Nhưng tại sao chỉ có Trung Nguyên lại được mọi người nhớ đến nhiều nhất. Giá trị thương hiệu không chỉ đơn giản là vấn đề sản phẩm dịch vụ mà đó còn là việc đánh vào tâm thức của khách hàng.

Bước 9: Phát hành cổ phiếu, lên sàn chứng khoán và vươn đến đỉnh cao

Phát hành cổ phiếu, lên sàn chứng khoán và vươn đến đỉnh cao

Khi công ty của bạn đã bắt đầu chuẩn bị phát hành cổ phiếu. Điều đó đồng nghĩa với ý tưởng của bạn đã hoàn toàn thành công. Đến lúc này, ý tưởng ấy đã được đơm hoa kết quả và tạo nên những thành quả ngọt ngào. Phát hành cổ phiếu có rất nhiều ý nghĩa đối với một công ty. Nó thể hiện được rằng đây chính là một công ty có giá trị. Tiềm lực công ty lúc này đã mạnh mẽ hơn, khả năng phát triển bền vững hơn. Và hơn hết, công ty của bạn thực sự đã có có một vai trò và ảnh hưởng cực kỳ vững chắc.

Bước 10: “Tiến đến những vùng đất mới”

Bạn có biết rằng, một tập đoàn khổng lồ như Vingroup lại có câu slogan “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”. Điều này cho thấy được tham vọng của tập đoàn này là lớn mạnh đến như thế nào. Công việc kinh doanh, bản chất là một công việc tạo ra những giá trị cho xã hội. Khi chúng ta đã gây dựng được một công ty có giá trị, điều đó không có nghĩa là dừng lại. Mà nó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cần tạo được thêm nhiều giá trị hơn nữa, tìm đến những thị trường mới hơn nữa để lan tỏa các giá trị của mình đi xa hơn. 

Hầu hết các doanh nghiệp vận hành trên thị trường đếu đi theo lộ trình này. Và nếu doanh nghiệp của bạn trải qua được 10 bước này, đồng nghĩa với việc bạn đã xây dựng được một tập đoàn kinh doanh khổng lồ. Từ một ý tưởng kinh doanh ban đầu, nó đã trở thành một công ty có giá trị. Điều đó đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực của cả một tập thể. Với sự dẫn dắt của người đứng đầu. Hy vọng với 10 bước này, bạn sẽ có thể biến ý tưởng kinh doanh của mình trở thành hiện thực.

0 / 5. 0