Hợp đồng vay tín chấp giúp bạn nhận được một khoản vay như ý nhưng đồng thời, bạn cũng phải chịu trách nhiệm tín dụng lớn hơn, vì vậy hãy thật cẩn thận trước khi ký kết bất cứ hợp đồng vay nào.
Tìm kiếm những hình thức vay phù hợp cũng là một cách rất tốt để bạn giải quyết vấn đề tài chính trong những tình huống khẩn cấp. Trong đó, vay tín chấp là một trong những hình thức cho vay đơn giản và dễ thực hiện nhất vì người đi vay không cần tài sản thế chấp mà chỉ cần chứng minh về tài chính của mình.
Khi bạn đã lựa chọn được hình thức vay, đặc biệt là vay tín chấp và tiến tới ký kết hợp đồng vay, nghĩa là bạn đã sắp nhận được khoản vay rồi nhưng những gì sẽ xảy ra sau đó cũng rất quan trọng. Trước khi đặt bút ký một hợp đồng vay tín chấp, bạn nên lưu ý những điểm sau đây để giải quyết tài chính một cách ổn thỏa nhất.
Nội dung
1. Nắm rõ phương thức trả góp và cách tính lãi suất trong hợp đồng vay
Đối với hình thức vay tín chấp, có hai cách tính lãi suất và trả góp phổ biến nhất: Tính theo dư nợ gốc ban đầu và dư nợ giảm dần.
+ Tính theo dư nợ gốc ban đầu:
Người đi vay cần trả nợ gốc và tiền lãi cố định mỗi tháng cho đến hết thời hạn vay. Lãi suất vay được tính dựa trên số tiền đi vay ban đầu và cố định mỗi kỳ trả lãi trong suốt thời hạn cho vay.
+ Tính theo dư nợ giảm dần:
Người đi vay cần trả nợ gốc cố định và tiền lãi đều giảm dần mỗi tháng cho đến hết thời hạn vay.
Lãi suất vay được tính dựa trên số nợ gốc còn lại sau khi trừ đi khoản nợ gốc đã trả ở những kỳ trả nợ trước. Lãi suất được chọn có thể là lãi suất cố định hoặc lãi suất thả nổi (thay đổi theo thị trường) tùy theo quy định thỏa thuận giữa bạn và tổ chức tài chính.
Thông thường lãi suất vay tính theo dư nợ giảm dần sẽ cao hơn tính theo dư nợ gốc, do đó bạn cần cân nhắc kỹ hình thức vay và mức lãi suất được quy định trên hợp đồng vay tín chấp.
2. Cân nhắc khả năng tài chính trước khi ký hợp đồng vay
Như đã đề cập, khi ký kết một hợp đồng vay tín chấp, nghĩa là bạn đang ràng buộc với một trách nhiệm lớn hơn về tài chính.
Dù chọn hình thức vay nào, bạn đều phải trả một phần khoản vay mỗi khi đến kỳ trả nợ, thông thường là hàng tháng. Chính vì vậy, bạn phải cân nhắc thật kỹ dựa trên các quy định thỏa thuận trong hợp đồng, liệu nguồn thu mỗi tháng của bạn có đủ trang trải cả chi phí sống và tiền trả nợ hay không.
Nếu không thể chi trả đầy đủ và đúng hạn, khả năng rất lớn bạn sẽ dính các khoản nợ xấu cũng như phí phạt – điều mà bạn cần quan tâm tiếp theo đây.
3. Tìm hiểu quy định về tất toán trước hạn, ân hạn và phí phạt trên hợp đồng vay
+ Thời gian ân hạn:
Ân hạn là khoảng thời gian tính từ lúc khoản vay được giải ngân cho đến khi bạn thanh toán kỳ trả nợ đầu tiên. Trong thời hạn này, một số tổ chức tài chính có thể quy định người đi vay có cần đóng nợ gốc và lãi hay không. Do đó, bạn cần xem quy định về khoản này trên hợp đồng vay tín chấp.
Ngoài thời gian ân hạn, người đi vay còn phải cân nhắc đến thời gian tất toán trước hạn hoặc trễ hạn và phí phạt đi kèm theo đó.
+ Tất toán trước hạn:
Hãy xem xét các quy định về thời gian tất toán trước hạn tối thiểu là bao nhiêu để phục vụ cho trường hợp bạn có đủ tài chính để thanh toán toàn bộ khoản vay trước khi hết thời hạn vay.
Thông thường, phí phạt thanh toán trước hạn sẽ được tính tùy theo quy định của tổ chức tài chính, ví dụ như một khoản tiền cố định hoặc dựa trên 3-5% số nợ gốc còn lại tại thời điểm tất toán.
+ Tất toán trễ hạn:
Bạn nên tìm hiểu thật kỹ xem tổ chức tài chính cho phép thanh toán muộn tối đa bao nhiêu ngày kể từ khi hết thời hạn vay. Thời gian bao lâu sẽ tính vào nợ xấu hay áp dụng các hình thức phạt cao hơn.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần xem xét mức phí phạt khi thanh toán trễ để có thể chuẩn bị đầy đủ, tránh dính phải các khoản phạt phát sinh khác.
4. Đảm bảo hiểu rõ hợp đồng vay tín chấp trước khi ký
- Đầu tiên, bạn cần đọc thật kỹ hợp đồng, kiểm tra đầy đủ các thông tin cá nhân có chính xác hay chưa.
- Tiếp theo đó, bạn nên xem xét những quy định khác về hình thức vay, lãi suất, thời hạn vay, khoản vay thực tế, … có đúng như thỏa thuận giữa bạn và tốt chức tài chính hay không. Hãy hỏi về những hỗ trợ và cách giải quyết nếu có trường hợp bất khả kháng hoặc tranh chấp giữa các bên, cơ quan tài phán xử lý những tranh chấp đó.
- Cuối cùng, bạn nên yêu cầu tư vấn đối với bất cứ điều khoản nào bạn chưa hiểu rõ trên hợp đồng. Đừng vội vã ký kết hợp đồng vay tín chấp mà không xem xét hợp đồng thật cẩn thận hay nắm được những trách nhiệm của bạn trên đó.
Trên đây là những điểm lưu ý quan trọng mà bất cứ ai trước khi ký kết hợp đồng vay tín chấp đều phải nắm được. Hãy cân nhắc và đặt bút cho những hợp đồng vay phù hợp với khả năng của bạn nhé!