Hiện nay, hệ thống điểm tín dụng cá nhân đã và đang bắt đầu được áp dụng rộng rãi ở thị trường tài chính Việt Nam. Không nắm rõ khái niệm và cách chấm điểm của hệ thống này sẽ khiến bạn gặp bất lợi khi có nhu cầu vay vốn tại các tổ chức tài chính.
Nội dung
Điểm tín dụng là gì? Vai trò của điểm tín dụng
Điểm tín dụng là con số các tổ chức tài chính sử dụng để xác định độ tin cậy về mặt tài chính của một cá nhân khi cá nhân đó nộp hồ sơ xin vay. Đây là biện pháp nhằm giảm bớt rủi ro tín dụng của các tổ chức tài chính. Rủi ro tín dụng là khi khách hàng không trả đầy đủ cả gốc lẫn lãi của các khoản vay, hoặc trả nhưng không đúng hạn.
Có một hệ thống đánh giá chấm điểm tín dụng sẽ tạo cơ sở cho các tổ chức tín dụng xét duyệt hồ sơ vay và kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả hơn. Ngoài ra, các tổ chức tài chính cũng dựa theo khung điểm tín dụng tiêu chuẩn để ấn định hạn mức cho vay của khách hàng. Đó là lý do vì sao dù cùng một mức thu nhập, có người được duyệt hồ sơ nhanh và được cho vay nhiều hơn những người khác.
Điểm tín dụng càng cao, bạn càng được hưởng nhiều ưu đãi về hạn mức vay và lãi suất. Một người không có lịch sử tín dụng, tức là chưa từng vay mượn thì mức độ tin cậy của họ cũng ngang ngửa với nhóm khách hàng có nợ xấu, nợ quá hạn. Do đó, một lịch sử tín dụng trống không, chưa từng vay mượn chưa chắc là tốt hơn so với lịch sử tín dụng có nợ quá hạn.
Cách chấm điểm tín dụng
Hiện nay, hồ sơ, lịch sử tín dụng của các cá nhân được quản lý bởi Trung tâm Thông tin tín dụng CIC. Đây là trung tâm trực thuộc ngân hàng nhà nước, chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin các khoản vay và quá trình thanh toán các khoản vay của một cá nhân từ nhiều tổ chức tài chính khác nhau để tạo nên hồ sơ lịch sử tín dụng của cá nhân đó.
Ngoài ra các tổ chức tài chính, trung tâm còn cập nhật thông tin cá nhân dựa trên dữ liệu thông tin của các bộ ngành và khai thác trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Các tổ chức tín dụng khi nhận hồ sơ xin vay sẽ truy cập vào cơ sở dữ liệu của trung tâm này để kiểm tra thông tin trước khi ra quyết định xét duyệt.
Các tiêu chí chấm điểm tín dụng cá nhân
Điểm tín dụng được CIC tính toán dựa trên báo cáo cá nhân theo từng tháng về các khoản chi trả tài chính (vay nợ, thế chấp…) do các tổ chức tài chính cung cấp. Có 3 nhóm điểm tiêu chí quan trọng để chấm điểm tín dụng cá nhân đó là:
- Nhóm điểm số dư nợ và tình trạng nợ: Nhóm điểm này phản ánh trực tiếp khả năng chi trả của cá nhân. Ví dụ: Nếu khách hàng có số dư nợ càng cao thì khả năng vỡ nợ càng lớn, dẫn đến khả năng trả nợ càng thấp.
- Nhóm điểm lịch sử trả nợ: Trái ngược với nhóm trên, nhóm điểm này phản ánh gián tiếp khả năng vỡ nợ của khách hàng dựa vào lịch sử hành vi hay cách quản lý tài chính.
- Nhóm điểm lịch sử quan hệ tín dụng: Nhóm điểm cuối cùng có mức độ quan trọng thấp nhất so với 2 nhóm trên. Đây là nhóm phản ánh thời gian sử dụng của cá nhân với các tổ chức tài chính.
Các nhóm xếp hạng tín dụng cá nhân
Sau khi đã có số điểm tổng hợp cuối cùng dựa trên phương pháp tính toán thống kê, CIC sẽ đưa ra kết luận xếp hạng tín dụng cá nhân để phản ánh mức độ rủi ro khi đi vay của cá nhân đó. Có 5 nhóm xếp hạng tín dụng:
- Rủi ro rất cao (E)
- Rủi ro cao (D)
- Rủi ro trung bình (C)
- Rủi ro thấp (B)
- Rủi ro rất thấp (A)
Một cá nhân khi xếp hạng tín dụng rơi vào nhóm C, D và E thì khả năng được xét duyệt hồ sơ cho vay sẽ thấp hơn cá nhân được xếp hạng A và B. Có những tổ chức kiểm soát rủi ro khắt khe đến mức không xét duyệt hồ sơ cho vay cho bất kỳ khách hàng nào có xếp hạng tín dụng từ C trở xuống. Nhiều khách hàng đi vay không biết về điểm số này dẫn đến thắc mắc không biết vì sao hồ sơ vay của mình không được xét duyệt trong khi chứng minh thu nhập của mình rõ ràng cao hơn những khách hàng được duyệt khác.
Có thể thấy, điểm tín dụng cá nhân là một yếu tố rất quan trọng, bắt buộc mọi cá nhân phải cân nhắc trước khi đi vay. Vì vậy, đừng chủ quan mà hãy tìm hiểu điểm tín dụng cá nhân của mình trước khi có ý định tiếp cận nguồn vốn vay của bất kỳ tổ chức tài chính nào nhé!
Tìm hiểu thêm tại đây.