Có nên vay tín chấp là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Khi đã có sự nghiệp và sự trưởng thành nhất định, bạn sẽ muốn có được cuộc sống tiện nghi hơn, từ việc mua sắm vật dụng cần thiết, sửa chữa nhà, cho đến du lịch, học tập, chữa bệnh… và sẽ có nhu cầu vay tín chấp để trang trải chi phí. Vậy vay tín chấp là gì? Có nên vay tín chấp không?
Có rất nhiều trường hợp người vay không nhận được những lợi ích như bản thân đã tưởng tượng mà do không hiểu rõ về tính chất của vay tín chấp và phải nai lưng “cày bừa” trả nợ. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn có một cái nhìn chung về vay tín chấp và có nên vay tín chấp hay không. Liệu bạn có lựa chọn vay tín chấp để chăm sóc gia đình chu đáo hơn?
Nội dung
Vay tín chấp là gì?
Vay tín chấp là một sản phẩm tài chính hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của nhiều người khi cần gấp một khoản tiền nhỏ. Hiểu đơn giản là bạn dùng sao kê lương của mình để vay mà không cần phải thế chấp tài sản như nhà cửa, đất đai, xe cộ, sổ tiết kiệm. Cũng tương tự như thẻ tín dụng, để có thể vay tín chấp, bạn cần chứng minh được thu nhập của bản thân và nơi ở của bạn để ngân hàng có đủ niềm tin giao tiền cho bạn.
Ví dụ bạn có thể vay tín chấp để giải quyết những vấn đề cá nhân liên quan tới chi tiêu như thanh toán những khoản nợ ngắn hạn, hay thực hiện dự án kinh doanh hoặc đi du lịch, tập gym, chi trả những món hàng có giá trị lớn (điện thoại, laptop,…). Nhưng cân nhắc việc có nên vay tín chấp hay không vẫn là một bài toán cần suy nghĩ kỹ càng.
Có thể bạn đang quan tâm: 3 mẹo giúp bạn không mua sắm quá tay do khuyến mãi mùa lễ hội
Khi nào nên vay tín chấp?
Trước khi quyết định vay tín chấp ngân hàng, hãy tự đặt ra cho mình hai câu hỏi: bạn vay nợ để đầu tư vào cái gì và cái đó có mang đến sự ổn định về tài chính theo thời gian cho bạn hay không?
Sau đây là một số lĩnh vực mà việc vay tín chấp phổ biến nhất:
1. Vay tín chấp để đầu tư vào bản thân
Việc học tập: Bạn có nên vay tín chấp để học đại học hay sau đại học hoặc du học không? Tất nhiên là có, vì điều đó sẽ tạo cơ hội để bạn dễ dàng tìm kiếm được việc làm và cơ hộ tự chủ tài chính ở tương lai. Nghĩa là bạn sẽ được lợi nhiều hơn vì thông thường bằng cấp cao sẽ đem lại cho bạn khả năng kiếm việc làm được trả lương hậu hĩnh hơn. Tuy nhiên, nếu lấy bằng cấp tốt hơn chỉ đơn thuần là sở thích của bạn mà không phải vì sự nghiệp nghiêm túc, thì đây không phải là lựa chọn khôn ngoan để vay một khoản tiền quá lớn.
Du lịch và tiêu dùng: Việc vay tín chấp cho một chuyến đi chơi chỉ với mục đích hưởng thụ hoặc chi trả tiêu dùng một khoản tiền lớn vì bạn cảm thấy vui thì đây quả là một quyết định sai lầm. Với lãi suất trung bình từ 18%/năm cho việc vay tín chấp, tất cả những gì bạn nhận được là một chuyến đi du lịch và những khoảnh khắc vui nhất thời mà rồi bạn phải nai lưng trả nợ, thì sẽ chỉ làm tình hình tài chính của bạn xấu đi.
2. Vay tín chấp để đầu tư:
- Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh
Đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp chưa đủ điều kiện để được vay vốn kinh doanh thế chấp hoặc các doanh nghiệp có nhu cầu gấp về vốn thì vay tín chấp là một giải pháp hết sức thiết thực. Dù vậy đây vẫn không phải là cách làm khôn ngoan để khởi nghiệp và phát triển kinh doanh bởi các doanh nghiệp luôn tốn rất nhiều thời gian để thành công. Chưa kể, việc luôn bị căng thẳng về mức lãi suất cao và không tập trung được vào công việc. Vì vậy, biện pháp tốt nhất cho bạn là nên cố gắng tìm kiếm các nhà đầu tư thay vì đi vay nợ ngân hàng.
- Chứng khoán
Nếu là một người đầu tư chứng khoán khôn khéo, thì bạn sẽ biết phải làm gì với số tiền của mình và tìm đến nơi cho vay tín chấp ưu đãi nhất. Còn nếu như bạn đang loay hoay tìm kiếm nơi để vay tiền cho việc đầu tư chứng khoán, thì bạn chắc chắn không phải là một người chơi chứng khoán có chiến lược. Bạn chỉ là một nhà đầu tư nghiệp dư, mua vào và bán ra ngay khi giá dao động có lợi cho mình với số tiền bạn vay được. Như vậy việc vay tín chấp ngân hàng sẽ mang lại khá nhiều rủi ro và không khả quan để thực hiện.
Khi bạn dự định vay tín chấp, bạn không chỉ phải lưu ý về lãi suất vay mà còn phải cân nhắc thật kỹ lý do và nguyên nhân vay. Bên cạnh đó, việc đọc và hiểu kỹ về những khoản tiền đi kèm là một điều cần thiết nếu bạn không muốn phải trả những khoản tiền trên trời rớt xuống như phí tư vấn, phí làm hồ sơ, phí thẩm định…
Một lưu ý nhỏ cho bạn, những tổ chức tín dụng chào mời khoản lãi suất cực thấp để cho bạn vay tín chấp thì bạn cũng cần phải lưu ý thật kỹ. Bởi vì không có bữa trưa nào miễn phí, đằng sau những lời chào ngọt ngào với lãi suất chạm sàn là vô số những khoản phụ phí khác.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn thêm thông tin để đi đến quyết định vay đúng đắn nhất. Theo dõi ngay trang Facebook Ước mơ và Hạnh phúc để cập nhật các thông tin tài chính bổ ích khác nhé!