Những chiêu trò lừa đảo tinh ranh mới của tín dụng đen và các hệ lụy

1148
Vay Tin Dung Den Nguy Hiem

Tín dụng đen là một hình thức lừa đảo tài chính gây nhức nhối trong xã hội suốt một thời gian dài. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu những chiêu trò lừa đảo mới của tín dụng đen và hậu quả mà chúng gây ra cho mọi người.

Tín dụng đen lừa đảo như thế nào?

Thủ tục cho vay đơn giản, nhận tiền nhanh

Hầu hết các quảng cáo cho vay tín dụng đen đều nhấn mạnh khả năng vay tiền rất nhanh. Bạn có thể bắt gặp nhan nhản các loại tờ rơi với nội dung như “Cho vay trong vòng 24h”, “Cho vay không thế chấp”. Chúng thường được dán ở các bức tường, cột điện hay được phát ở khắp các tuyến đường. Chúng đánh vào tâm lý của những người cần tiền gấp. Thủ tục cho vay thường rất đơn giản. Bạn không cần bất cứ tài sản thế chấp nào cũng có thể vay được. Chỉ cần những thao tác đơn giản như gọi điện, người đi vay sẽ được giao tiền đến tận cửa.

tín dụng đen
Những hình thức vay tiền dễ dàng hầu hết đều là tín dụng đen.

Tận tình tư vấn “từ A đến Z”

Nhằm gây dựng sự tin tưởng với người đi vay, các đối tượng tín dụng đen luôn tận tình hướng dẫn làm thủ tục. Chúng còn đưa ra các gói lãi suất linh hoạt mà không cần tài sản thế chấp. Tinh vi hơn, những người này còn lợi dụng Internet như một công cụ quảng cáo rộng rãi dịch vụ cho vay. Ngoài ra còn nhiều hành vi phạm pháp khác đã và đang được thực hiện như ghi nhận trong hợp đồng lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất thực tế trong giấy vay tiền được viết tay để qua mặt cơ quan chức năng… 

Những đối tượng tín dụng đen dùng nhiều hình thức để lừa đảo người vay tiền.

Vay dễ, trả mới khó

Nhiều người lầm tưởng rằng mình không cần thế chấp gì thì có thể thoải mái vay tiền khi cần. Nhưng mọi chuyện không hề đơn giản như vậy. Lãi suất cho vay theo hình thức này luôn cao ngất ngưởng. Cùng với đó, người vay phải chịu những rủi ro rất lớn nếu không đủ điều kiện trả tiền lãi hằng tháng. Đó là nguy cơ bị đe dọa về cả thể xác lẫn tinh thần. Và có khi là cả sự bình yên của cả gia đình mình. Nếu đến hạn không trả tiền, những đối tượng đòi nợ thuê sẽ đến tận nhà bạn để đòi nợ bằng nhiều hình thức. Chúng có thể chửi bới, dọa nạt. Tệ hơn là bắt giữ người trái phép hay khủng bố bằng các chất bẩn. 

Theo thống kê mới đây của Bộ Công an (2015 – 2018), toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen. Trong đó, có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 165 vụ hủy hoại tài sản. Những con số này cho thấy tín dụng đen đang ngày càng diễn biến phức tạp và không có dấu hiệu giảm xuống

Những biến tướng nguy hiểm hơn của tín dụng đen

Hành vi của các đối tượng tín dụng đen thời gian gần đây trở nên khá tinh vi. Ngoài hình thức cho vay trực tiếp, tín dụng đen còn núp bóng dưới hình thức cầm đồ, hỗ trợ tài chính, giựt hụi hay xây dựng “sân sau” để thành lập các công ty cho thuê tài sản… Những vụ giật hụi cũng xảy ra thường xuyên. Chúng được gọi là vỡ nợ tín dụng đen.

Điều 20, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Trong giao dịch dân sự, người nào cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự (20%/năm), thu lợi bất chính từ 30 đến dưới 100 triệu đồng… sẽ bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trường hợp phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu – 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.”

tín dụng đen
Hành vi tín dụng đen sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Nguyên nhân khiến tín dụng đen nở rộ

Một bộ phận người dân, nhất là thanh thiếu niên không có việc làm ổn định, lún sâu vào tệ nạn cờ bạc, cá độ… phải “vay nóng” để trả nợ. Từ đó lãi chồng lãi, nợ chồng nợ. Các đối tượng tín dụng đen vì vậy mà ngang nhiên thu lời bất chính. Các đối tượng hoạt động tín dụng đen cũng lợi dụng một số người dân có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu vùng xa, những người thiếu hiểu biết, cần tiền chữa bệnh gấp để lừa đảo. Hầu hết những người này không có tài sản thế chấp. Vì vậy họ trở thành “con mồi” lý tưởng của tín dụng đen.

Những biện pháp cần thực hiện để ngăn chặn tín dụng đen

Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần chú ý theo dõi, lập hồ sơ các đối tượng hoạt động tín dụng đen. Bên cạnh đó cần phát huy “tai mắt” từ nhân dân. Như vậy mới vạch ra được những biện pháp phòng ngừa sớm. Từ đó góp phần ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng tín dụng đen hoành hành như hiện nay.

Đặc biệt, cần tỉnh táo trước những lời mời gọi cho vay có nguồn gốc không rõ ràng. Người dân tuyệt đối không nên vay nặng lãi chỉ để mua sắm những tài sản đắt tiền. Làm vậy chẳng khác nhau tự nguyện trở thành “con mồi” cho hoạt động tín dụng đen.

Hy vọng sau bài viết này, bạn đã nắm rõ thêm thông tin về tín dụng đen. Hãy luôn nhắc nhở bản thân và gia đình tỉnh táo để không vướng vào những rắc rối với hình thức này bạn nhé. 

0 / 5. 0