Làm sao để hạn chế chi tiêu ở thời điểm tâm lý vô cùng căng thẳng? Dù ở lĩnh vực nào, mỗi người chúng ta đều có một mùa bận rộn trong năm kéo dài vài tháng khi công việc trở nên dồn dập và cảm giác làm mãi mà không hết việc xuất hiện. Hiện tượng dễ thấy trong giai đoạn này là tâm lý căng thẳng và kiệt sức, hướng đến những quyết định và lựa chọn “thuận tiện” hơn trong chi tiêu hằng ngày ảnh hưởng không nhỏ đến ngân sách hằng tháng. Làm sao để khắc phục tình trạng này? Cùng tìm hiểu nhé!
Không ai trong chúng ta muốn có những chi tiêu phát sinh ngoài kế hoạch đặc biệt là khi đang có những mục tiêu tài chính cần đạt. Hãy thử tưởng tượng bạn đang ngập đầu trong những deadline dồn dập, lúc đấy việc đặt mua đồ ăn vặt hay trà sữa giao đến văn phòng có vẻ là một ý tưởng hay. Hoặc sau một ngày làm việc căng thẳng việc dạo quanh khu mua sắm và chọn mua một món hàng hoặc quần áo giúp bạn cảm thấy xả stress hơn hẳn. Những quyết định phát sinh trong thời gian làm việc cao điểm này thuờng sẽ tích tiểu thành đại và đem lại cho ta cảm giác hối hận sau này. Dưới đây là 9 mẹo giúp bạn sắp xếp cuộc sống, hướng tới chi tiêu lành mạnh hơn dù bận rộn, căng thẳng đến đâu.
Chuẩn bị trước khi vào mùa bận rộn cao điểm
Nhằm tránh phải cảm giác quá tải trong công việc và cuộc sống riêng, sau đây là một số cách chuẩn bị trước giúp bạn kiểm soát cuộc sống cá nhân tốt hơn.
1. Sắp xếp tủ quần áo
Hãy tranh thủ trước khi mùa cao điểm bắt đầu, kiểm tra tủ quần áo của mình xem những món đồ nào không hợp với thời tiết sắp đến, đóng gói hoặc cất đi những món ít được mặc hoặc không còn vừa nữa, hay không còn hợp với sở thích. Tương tự với phụ kiện, như dây nịt, trang sức, giỏ sách, giày dép. Cũng như nguyên tắc của lối sống tối giản, càng ít thứ để bảo quản và dọn dẹp, bạn càng tiết kiệm thời gian và biết rõ được mình đang sở hữu những món đồ nào, tránh các mua sắm phát sinh.
2. Thủ sẵn các nguyên liệu và đồ dùng cơ bản cho nhà bếp và sinh hoạt thường ngày
Nguyên liệu chế biến các món ăn nhanh gọn lẹ tại gia như gạo, mì, các món sốt cho mì ý, món xào, soup nên luôn có sẵn trong tủ bếp sẵn sàng cho bạn chế biến trong vòng 30 phút sau khi về nhà. Hoặc khi thời gian eo hẹp, bạn cũng có thể nấu trước các món vào cuối tuần hay các ngày bạn cảm thấy có năng lượng cao và trữ ở tủ đông tiện khi dùng trong tuần, thủ sẵn cho mình vài công thức “tủ” yêu thích sẽ giúp bạn đỡ phải suy nghĩ và nản chí khi lên kế hoạch món ăn.
Cũng đừng quên mua trước các đồ dùng cơ bản cho sinh hoạt như nước rửa chén, xà phòng, dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng, nước xả vải để tránh thiếu sót trong mùa bận rộn và khiến bạn phải ra siêu thị và dễ bị cuốn hút mua them các món hàng khác.
Đọc thêm bài viết: Bí quyết lập kế hoạch tài chính trước tuổi 30
3. Bảo trì các vật dụng và hệ thống trong nhà, phương tiện vận chuyển
Hãy kiểm tra trong không gian ở của bạn có vật dụng nào cần được bảo trì? Các hệ thống điện, nước, máy giặt. Xe của bạn đã đến kì thay nhớt chưa?
4. Tranh thủ dọn dẹp nhà cửa trước mùa cao điểm
Bạn sẽ tự cảm ơn bản thân khi không phải dành quá nhiều thời gian cho việc lau dọn sau một tuần làm việc căng thẳng. Một không gian sống ít bừa bộn và sạch sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và thư giãn hơn, vì vậy khi còn nhiều thời gian hãy dọn lại tủ lạnh, khu vực vệ sinh tắm giặt để vào mùa bận rộn cao điểm, bạn có thể thực hiện những việc đơn giản ít thời gian hơn như quét nhà hay hút bụi.
5. Luyện tập thói quen sống khoẻ mạnh và dành thời gian cho bản thân
Bạn không thể “sống sót” qua mùa cao điểm nếu không có sức khoẻ và tinh thần tốt, bao gồm thói quen ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn, ăn đủ chất. Hãy dành thời gian cho các sở thích cá nhân như chơi thể thao, đi dạo trong công viên, nhiếp ảnh, vv… Nhờ những sự chuẩn bị trước này, bạn sẽ cảm thấy cơ thể khoẻ mạnh và tinh thần minh mẫn hơn trong mùa cao điểm.
Trong mùa bận rộn cao điểm
1. Trao đổi với gia đình và bạn bè về lịch làm việc cá nhân
Tất nhiên trong mùa cao điểm bạn khó có thể dành thời gian như thường lệ để chăm sóc cho gia đình hay có mặt trong các dịp tụ họp, vì vậy bạn cần trao đổi thẳng thắn để có được sự cảm thông và hỗ trợ hợp lí.
2. Ưu tiên việc ngủ đủ giấc
Bạn không thể làm việc tập trung và hiệu quả khi tinh thần không tỉnh táo, dẫn đến nhiều sai lầm lớn nhỏ không đáng có trong công việc, cũng như làm bạn cảm thấy mệt mỏi nhanh hơn. Vì vậy trong mùa cao điểm hãy cân nhắc việc đồng ý đi uống với bạn bè hay đồng nghiệp, hoặc thức khuya để thực hiện công việc được giao.
3. Chuẩn bị trước trang phục trong tuần
Nếu có thể, bạn nên lên kế hoạch và chuẩn bị trước trang phục công sở và phụ kiện đi kèm vào cuối tuần, sẵn sàng cho tuần sắp đến. Việc làm này sẽ giúp bạn tiết kiệm một khoảng thời gian đắn đo mỗi sáng và nhiều thời gian hơn cho buổi sáng của mình.
4. Dành thời gian cho các hoạt động ngoài trời và cho bản thân
Dù bận trộn đến mấy, cuối tuần nên là thời gian dành cho bản thân, gia đình hoặc các sở thích riêng. Dạo quanh công viên, tổ chức các cuộc dã ngoại ngoài trời sẽ giúp tinh thần thư giãn và nạp năng lượng mới cho bạn tiếp tục “chiến đấu” cho tuần tiếp theo.
Tham khảo bài viết liên quan: 7 mẹo để đảm bảo an toàn tài chính cho bản thân
Mục đích của tất cả phương pháp nêu trên nhằm đảm bảo phong cách sinh hoạt và mức chi tiêu hợp lí cho dù khối lượng công việc có nhiều đến cỡ nào chăng nữa. Chỉ cần áp dụng một vài phương án nhỏ bạn đã có thể kiểm soát được mức chi tiêu hằng tháng và tránh khỏi những quyết định mua sắm bộc phát không đáng có.