Bạn đang tiết kiệm hay tằn tiện? Đừng nhầm lẫn giữa hai khái niệm mà khiến cho cuộc sống mình thêm phần mệt mỏi

2007

Có một ranh giới mong manh giữa việc tiết kiệm và tiêu xài tằn tiện. Cách chi tiêu của bạn đang thuộc loại nào? Cùng tìm hiểu ngay nhé!

Có rất nhiều người thường khoe rằng mình rất tiết kiệm bằng cách ít tiêu tiền nhất có thể. Họ mặc cả đến từng đồng, không dám chi tiêu gì cho chính bản thân mình. Và họ xem đó chính là một phương châm để giúp bạn có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn.

Nhưng thực ra họ đã lầm!

Bởi vì với cách chi tiêu ấy, mặc dù bạn có thể để dành được một số tiền nhiều hơn người khác. Nhưng chính bạn đang dần dần hủy hoại cuộc sống của mình. Chính vì việc cứ mãi chạy theo việc để dành mà bạn không chăm sóc cho chính cuộc sống của mình hiện tại. Để rồi bạn phải luôn đấu tranh với những nhu cầu chính đáng và sự tiếc nuối khi tiêu những đồng tiền của mình. Và người tiết kiệm không hề mong muốn sống một cuộc sống như vậy. Và đó, đúng hơn chính là tằn tiện. Chính vì việc bạn đang nhầm lẫn giữa tiết kiệm và tằn tiện, từ đó gây nên nhiều rắc rối trong cuộc sống.

Có một điều bạn cần biết là: Những người tiêu tiền thông minh không bao giờ để cuộc sống của mình phải rơi vào thiếu thốn. Dù ở bất kỳ mức thu nhập nào, họ vẫn luôn tìm cách để cân bằng tài chính và sử dụng tiền đúng mục đích chứ không cố gắng tiết giảm chi tiêu.

Xét theo định nghĩa, tiết kiệm chính là việc bạn sử dụng tiền đúng mục đích, không thừa mà cũng không thiếu. Còn tằn tiện chính là việc hạn chế chi tiêu đến mức tối đa, những người tằn tiện gạt bỏ hết mọi nhu cầu của mình hoặc chỉ chi tiêu ở mức tối thiểu, và mục tiêu của họ chính là để dành được phần tiền còn lại nhiều chừng nào hay chừng đó. Cụ thể, những người có thói quen tiết kiệm và những người tằn tiện thường có những khác biệt cơ bản sau:

1. Người tiết kiệm sống đúng với khả năng tài chính. Người tằn tiện sống dưới khả năng tài chính

Bạn đang tiết kiệm hay tằn tiện?

Giả sử hai người cùng có một mức thu nhập là 10 đồng. Người tiết kiệm sẽ tiêu 6 đồng và giữ lại 4 đồng. Người tằn tiện sẽ chi tiêu 2 đồng và giữ lại 8 đồng.

Nhìn qua thì có vẻ người tằn tiện sẽ để dành được số tiền nhiều hơn (gấp đôi) so với người tiết kiệm. Nhưng hãy xem qua chất lượng cuộc sống của mỗi người thế nào.

Người tiết kiệm sẽ dùng tiền thuê một căn nhà tươm tất, sạch sẽ, điện nước và an ninh đầy đủ. Sau một ngày đi làm mệt mỏi, họ sẽ về nhà và trải nghiệm một cuộc sống thoải mái để lấy lại năng lượng đi làm cho ngày hôm sau.

Người tằn tiện sẽ cố gắng thuê một phòng trò rẻ nhất có thể. Và lại ở xa. Tiện nghi của nơi ở này gần như không có. Hãy tưởng tượng sau một ngày đi làm mệt mỏi về và họ phải đối mặt với một không gian chật hẹp, điều đó khiến cuộc sống họ trở nên mệt mỏi như thế nào.

Đó chính là một ví dụ trong vô vàn các ví dụ về thói quen của người tiết kiệm và người tằn tiện. Người tiết kiệm luôn xây dựng một cuộc sống đúng với khả năng tài chính của mình. Điều cốt lõi là họ luôn ý thức xây dựng và chăm sóc cho cuộc sống của mình.

2. Người tiết kiệm luôn cân nhắc kỹ lưỡng khi chi tiêu, người tằn tiện luôn sợ hãi khi chi tiêu

Tiêu tiền – Đó chính là điều mà người tằn tiện sợ nhất. Họ luôn cảm thấy tiếc nuối khi phải chi tiền, dù là cho chính bản thân họ.

Không thiếu những người, sau khi ăn một bữa ăn sang trọng và tươm tất với bạn bè thì lại tỏ ra tiếc nuối với số tiền mình đã chi ra. Để rồi những ngày sau đó, họ phải vất vả ăn uống kham khổ mong bù đắp lại được số tiền đã chi ra cho bữa ăn ấy. Họ hoảng sợ với những hóa đơn có chi phí cao mà trên thực tế có họ đủ khả năng để chi trả. Họ ám ảnh khi nghe đến 2 chữ “mua sắm”. Và thậm chí họ còn mong rằng đồ đạc trong nhà đừng hư hại vì họ sẽ phải tốn tiền sửa chữa.

Người tiết kiệm trái lại, mỗi đồng họ chi ra đều nằm trong kế hoạch của họ. Thậm chí là họ còn dự trù trước cho những khoản tiền phát sinh. Nếu người tằn tiện sợ tiêu tiền, thì người tiết kiệm sợ lãng phí. Bởi vì họ ý thức được rằng, lãng phí chẳng khác nào việc “ném tiền qua cửa sổ”.

Bạn đang tiết kiệm hay tằn tiện?
Người tiết kiệm luôn cân nhắc kỹ lưỡng khi chi tiêu, người tằn tiện luôn sợ hãi khi chi tiêu

3. Người tiết kiệm luôn hướng đến mục tiêu lâu dài, người tằn tiện luôn nghĩ đến cái trước mặt

Điều chúng ta luôn thắc mắc là tại sao lại có những người tằn tiện quá mức. Trong khi có thể thu nhập của họ đủ sức để cho họ có được một cuộc sống chất lượng hơn. Và tất nhiên, họ tằn tiện cũng là có mục đích cả. Nhưng liệu họ có thể duy trì được tình trạng này được kéo dài hay không?

Trên thực tế, những người tằn tiện luôn nghĩ đến những cái trước mắt nhiều hơn. Họ tằn tiện là để nhanh chóng đạt được mục đích của mình hơn. Nhưng là những mục đích ngắn hạn và không mang lại nhiều giá trị. Chắc bạn cũng đã từng nghe những câu chuyện về những bạn phải tằn tiền từng đồng để có thể sắm được một chiếc iPhone mới ra mắt. Hoặc là tằn tiện để mua được món đồ mà mình yêu thích dù bạn không thực sự cần nó lắm.

Những người tiết kiệm thường có những mục tiêu khác. Và gần như họ hướng đến mục tiêu dài hạn hơn. Họ biết rằng để thực hiện mục tiêu đó, bạn cần phải có một nguồn tài chính dự phòng đảm bảo. Đối với họ, tiết kiệm là sự chuẩn bị tốt nhất trong mọi kế hoạch của mình.

Người tiết kiệm và người tằn tiện về cơ bản không hề giống nhau. Và nếu bạn đang có những thói quen có vẻ là sự tằn tiện thì bạn thực sự nên suy nghĩ lại và có những bước điều chỉnh sao cho phù hợp.

0 / 5. 0