Bí quyết quản lý chi tiêu 50/20/30 siêu đơn giản cho người trẻ

1202
Bí quyết quản lý chi tiêu 50/20/30 siêu đơn giản cho người trẻ

Quản lý chi tiêu cá nhân không nên chỉ dừng lại ở việc thanh toán tất cả các hoá đơn đúng hạn, mà còn nên hướng tới việc xác định những khoản cần chi và mục đích chi tiêu hợp lý. Quy tắc 50/20/30 sẽ giúp bạn quản lý hành vi tiêu xài của mình một cách có khoa học, tạo sự cân đối giữa hai mục đích quan trọng là chi tiêu với dành dụm.

Quy tắc 50/30/20 trong quản lý tài chính mang lại nhiều lợi ích cho các bạn trẻ độ tuổi 20 mới bắt tay vào giải quyết các vấn đề tài chính phức tạp của bản thân. Nếu tập được thói quen chi tiêu theo quy tắc này, thì việc lên kế hoạch quản lý tài chính cá nhân của bạn sẽ trở nên rất đơn giản. Cái hay của quy tắc này còn ở chỗ bạn hoàn toàn có thể linh hoạt chỉnh sửa để phù hợp với nhu cầu bản thân; chỉ cần đảm bảo bám sát các khái niệm cốt lõi.

Bí quyết quản lý chi tiêu
Quản lí chi tiêu bằng việc xác định những khoản cần chi

Quy tắc 1: Dành 50% thu nhập cho các nhu cầu thiết yếu

Những khoản chi vào các mục thiết yếu của cuộc sống về nguyên tắc không nên chiếm quá nửa tổng số thu nhập của bạn. Đây là những khoản chắc chắn phải chi trả dù bạn sống ở đâu, làm gì, hay kế hoạch tương lai như thế nào. Nhìn chung, các khoản chi tiêu này đối với mỗi người đều như nhau, thường là tiền ăn ở, đi lại, trả các hoá đơn nhu yếu phẩm như điện nước.

Điều quan trọng là bạn nên xem xét bao quát mọi khoản hơn là đi sâu cân đối từng khoản riêng lẻ. Ví dụ, tiền thuê nhà ở vị trí thuận lợi có thể cao hơn mặt bằng chung nhưng bù lại nó gần chỗ làm của bạn, giúp bạn tiết kiệm chi phí đi lại. Trong khi đó nếu ở một nơi rẻ hơn, bạn sẽ vừa mất thời gian di chuyển, vừa hao phí sức lực, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất làm việc.

Bí quyết quản lý chi tiêu
Chi tiêu có kế hoạch sẽ giúp bạn quản lí chi tiêu hiệu quả hơn

Vì hạng mục này chiếm tỉ lệ cao nhất nên bạn hãy bắt đầu từ nó. Bạn hãy lập một danh sách tất cả các chi tiêu thiết yếu và tiến hành điều chỉnh cân bằng lại nếu tổng chi cao quá mức 50% thu nhập.

Quy tắc 2: Dành 20% thu nhập cho các khoản nợ và tiết kiệm

Nguyên tắc này khuyên bạn hãy dành 20% thu nhập để thanh toán các khoản nợ hoặc cho vào tài khoản tiết kiệm hay quỹ dự phòng dành riêng cho các trường hợp khẩn cấp. 20% này chỉ nên được dành ra sau khi bạn đã thanh toán các khoản chi trả cơ bản ở trên và trước khi bạn quyết định các chi tiêu cá nhân khác.

Hãy xem đây là một khoản ”dành dụm mục tiêu”. Nếu như khoản 50% thu nhập (hoặc ít hơn) là khoản bắt buộc phải chi thì khoản 20% này sẽ là mục tiêu để thực hiện. Bằng cách này, bạn sẽ nhanh chóng trả hết nợ và có một tương lai vô lo khi về hưu. Nhắc đến cụm từ “nghỉ hưu” ở độ tuổi này có thể sẽ khiến bạn cảm thấy “hơi thừa” nhưng hãy nhớ, càng bắt đầu dành dụm sớm, bạn càng có hưởng lợi từ các khoản lãi suất.

Bí quyết quản lý chi tiêu
Dành 20% cho một khoản tiết kiệm cho tương lai

Quy tắc 3: Dành 30% thu nhập cho chi tiêu cá nhân

Hạng mục cuối cùng mang lại sự khác biệt nhất chính là các khoản chi không thiết yếu nhưng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Một số chuyên gia tài chính xem đây là khoản linh hoạt nhưng trong cuộc sống hiện đại, có rất nhiều thứ “xa xỉ” dần được xem là điều bắt buộc. Tất cả tuỳ thuộc vào việc bạn muốn gì trong cuộc sống và liệu bạn có sẵn sàng hi sinh vì nó hay không. Lý do khiến hạng mục này chiếm tỉ lệ cao hơn mục dành dụm là vì nó bao gồm rất nhiều các khoản chi nhỏ lẻ.

Các khoản chi nhỏ lẻ là những khoản như cước điện thoai, 3G, tiền mạng, cà phê, ăn tối cùng bạn bè, tập gym… Nếu bạn thường xuyên đi công tác hay du lịch, thì cước phí điện thoại sẽ trở thành khoản thiết yếu hơn là chi tiêu phù phiếm. Thế nhưng bạn có quyền chọn gói dịch vụ, và chỉ có bản thân bạn mới có quyền quyết định đâu là khoản chi cá nhân, đâu là khoản bắt buộc. Cũng tương tự như hạng mục chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu, bạn nên giữ mức chi tiêu cho cá nhân ở tỉ lệ tối đa 30%. Càng tiêu ít hơn ở hạng mục này, bạn càng nhanh chóng thanh toán các khoản nợ và đảm bảo cuộc sống tương lai

Bí quyết quản lý chi tiêu
Một khoản thanh toán cho các chi tiêu cá nhân

Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng đừng nên áp dụng cách quản lý tài chính theo quy tắc này một cách cứng nhắc. Tuy tỉ lệ này được rút ra sau nhiều nghiên cứu, nhưng thực tế cuộc sống mỗi người vốn dĩ khác nhau. Quy tắc này chỉ cung cấp cho mỗi người một nền tảng cơ bản để dựa vào đó, bạn có thể phân bổ thu chi một cách khoa học hơn. Từ đó, bạn có thể thiết lập một kế hoạch quản lý tài chính cá nhân hợp lý cho riêng mình

0 / 5. 0