Việc sở hữu một căn nhà sẽ đi kèm với vô vàn những vấn đề tiềm tàng và những chi phí mà người thuê thường không phải lo đến. Vậy bạn đã sẵn sàng chưa?
Từ lâu trong văn hóa của người Việt, mọi người đã coi việc mua nhà đồng nghĩa với sự ổn định cuộc sống. Mua được nhà không chỉ là cách nói với mọi người cuộc sống của bạn sung túc, vững chắc, công việc phát triển thuận lợi, mà còn đi kèm thêm một ý nghĩa tinh thần rất lớn, đó là sự cam kết cho một cuộc sống vợ chồng thuận hòa lâu dài, hạnh phúc.
Nhưng thực tế, dù bạn có muốn sở hữu một căn nhà của riêng mình đến mức nào, quy trình mua nhà không dành cho những người yếu tim. Việc sở hữu một căn nhà sẽ đi kèm với vô vàn những vấn đề tiềm tàng và những chi phí mà người thuê thường không phải lo đến. Tiền mua nhà cũng là khoản chi phí lớn nhất mà hầu hết mọi người sẽ phải trả trong cuộc đời –Liệu bạn đã sẵn sàng cho sự cam kết lớn như vậy chưa?
Để biết câu trả lời, sau đây là một vài câu hỏi để bạn có thể tự kiểm tra trước khi tìm kiếm căn nhà mơ ước.
Nội dung
Tài chính của bạn có vững để mua nhà không?
Trước khi bắt đầu, hãy tự hỏi xem: Bạn đã lập quỹ dự phòng khẩn cấp chưa? Nếu có, số tiền đó bằng bao nhiêu lần chi phí trung bình hàng tháng của bạn? Một quỹ dự phòng khẩn cấp sẽ giúp chi trả các loại hoá đơn nếu chẳng may bạn mất việc. Đây sẽ là bước đầu tiên vô cùng quan trọng để có một nền tảng tài chính ổn định.
Sau khi đã trích lập quỹ dự phòng, bạn sẽ không trễ hạn thanh toán các khoản trả góp mua nhà nếu lỡ may mất việc. Nếu bạn không có một quỹ dự phòng khẩn cấp tối thiểu từ ba đến sáu tháng lương, có lẽ bạn nên tiếp tục làm việc, hoặc đầu tư thêm trước khi bắt đầu nghĩ đến việc mua nhà.
Bạn có khoản nợ lớn phải trả hiện tại không?
Câu hỏi tiếp theo cần xem xét là bạn có bất kỳ khoản nợ nào không, và con số đó là bao nhiêu? Điều này thể hiện ở điểm tín dụng cá nhân của bạn và là cơ sở để người cho vay xét duyệt hồ sơ vay của bạn. Điểm tín dụng tốt cực kỳ quan trọng trong việc mua nhà trả góp. Nếu bạn có điểm tín dụng xấu, hay một khoản vay chưa được thanh toán, rất có thể bạn sẽ không đủ điều kiện vay những khoản lớn như tiền mua nhà này.
Ngoài ra, điểm tín dụng cao cũng sẽ giúp bạn có được mức lãi suất ưu đãi hơn cho cho khoản vay mua nhà trả góp. tiết kiệm hơn cho bạn hàng chục triệu tiền lãi suất trong suốt vòng đời khoản vay.
Nếu công việc của bạn ổn định, bạn sẽ có kha khá tiền tiết kiệm và ít nợ nần, việc mua nhà có lẽ là lựa chọn phù hợp cho bạn. Nếu bạn vẫn đang phải đối mặt với nợ nần, hãy tập trung vào việc giải quyết các vấn đề tài chính đó trước.
Bạn dự tính khi nào sẽ mua nhà và dọn đến?
Nếu bạn là người thích xê dịch hoặc đang làm việc cho một công ty đòi hỏi việc thuyên chuyển đến một thành phố khác, việc mua nhà sẽ không mang nhiều ý nghĩ.
Hãy xem xét một viễn cảnh có thể xảy ra sau nhé. Bạn mua một căn nhà vào tháng Ba, và vào tháng Mười Một, sếp nói rằng chi nhánh chỗ bạn làm sắp đóng cửa, và bạn sẽ được thuyên chuyển đến một thành phố khác. Bạn sẽ từ chối và mất việc hay nhận lời đề nghị của sếp?
Bạn nhận lời đề nghị của công ty và đối mặt với việc bán nhà vài tuần trước khi chuyển đi. Trong suốt thời gian đó, bạn vẫn phải thanh toán khoản trả góp mua nhà cũ và tiền thuê nhà mới.
Những tình huống như thế này diễn ra thường xuyên hơn bạn nghĩ, và nó giải thích vì sao việc mua nhà không hẳn bao giờ cũng là lựa chọn tốt nhất – kể cả khi bạn hoàn toàn có khả năng chi trả.
Bạn đã sẵn sàng làm chủ một căn nhà chưa?
Làm chủ một căn nhà nhìn qua có vẻ dễ, nhưng thực tế thì khác xa so với quảng cáo. Khi thuê nhà, bạn luôn có thể gọi điện cho chủ nhà nếu căn nhà có vấn đề. Bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về việc sửa ống nước bị rò rỉ, hay thay máy lạnh mới khi nó hỏng. Nhưng là chủ một ngôi nhà, bạn sẽ phải lo toan tất cả.
Các chuyên gia khuyên rằng chúng ta nên dành 1% số tiền mua nhà mỗi năm cho chi phí sửa chữa. Nó sẽ giúp bạn chi trả từ những vấn đề nhỏ như sơn mới bên ngoài nhà, đến những vấn đề lớn như thay mái.
Nếu kinh phí của bạn không đủ để dành vài triệu mỗi tháng cho việc sửa chữa, có lẽ bạn chưa sẵn sàng để mua một căn nhà. Thực tế, một vài người sống vui vẻ cả đời trong những căn nhà thuê, và để dành tiền mua nhà cho những khoản đầu tư khác. Không có quy định nào nói rằng bạn phải có nhà thì tài chính mới ổn định.
Bạn muốn mua nhà như thế nào?
Trước khi bắt đầu tìm nhà, nên quyết định xem bạn thực sự cần gì trong ngôi nhà đó. Cứ nghĩ “Khi nào tìm thấy thì tôi sẽ biết” luôn dễ dàng hơn cho bạn, nhưng thái độ này thường dẫn đến một quá trình tìm kiếm khá dài và mệt mỏi. Nếu bạn đã sẵn sàng mua một căn nhà, bạn phải sẵn sàng đi vào chi tiết.
Các câu hỏi cơ bản khá dễ trả lời – ví dụ, bạn muốn nhà có bao nhiêu phòng ngủ, ở khu vực nào, nhà đất hay chung cư? Phức tạp hơn, căn nhà ấy có nên gần chỗ làm không? Nếu ở cùng trẻ nhỏ, bạn có cần phải mua nhà gần trường học cụ thể nào không? Bạn có đang nhắm đến một phong cách kiến trúc cụ thể nào không?
Nếu bạn đã kết hôn hoặc đang trong một mối quan hệ nghiêm túc, hãy nói chuyện với đối tác của bạn về kiểu nhà họ thích. Xem xét kỹ lưỡng các câu trả lời này sẽ giúp thu hẹp những gì bạn cần phải tìm kiếm.
Bạn tiết kiệm đủ tiền cọc mua nhà không?
Khi bạn mua nhà trả góp, bạn sẽ cần đặt cọc một số tiền. Khoản tiền cọc sẽ cho bạn phần quyền sở hữu căn nhà ngay lập tức, và có đủ điều kiện để vay trả góp khoản tiền còn lại.
Thông thường, một khoản tiền cọc có trị giá tối thiểu 30-50% trị giá căn nhà. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ phải thanh toán nhiều khoản thuế phí khác liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhà, thường sẽ do bạn thoả thuận trực tiếp với người bán. Nếu bạn không thể tiết kiệm được đủ tiền cọc, bạn sẽ không đủ điều kiện để đăng ký mua nhà trả góp. Ngoài ra nếu thương thảo tốt, bạn cũng có thể thoả thuận được với người bán nhà để giảm khoản tiền cọc này, vậy nên hãy tìm hiểu thêm về các khoản đặt cọc nếu bạn đang có nhu cầu sở hữu bất động sản.
Mua nhà là một trong những quyết định tài chính lớn nhất mà bạn sẽ phải thực hiện, nên đó phải là một quyết định đúng đắn. Đừng vội vã nhảy cuộc đua vì tất cả bạn bè của bạn đang mua nhà hay bố mẹ thúc ép bạn làm điều đó. Hãy hỏi chính bạn những câu hỏi này và bạn sẽ biết khi nào là thời điểm đúng.