Vay thế chấp và tín chấp là hai hình thức vay tín dụng tiêu dùng quen thuộc và phổ biến nhất hiện nay. Việc hiểu rõ đặc điểm cũng như những khác biệt cơ bản giúp người đi vay dễ dàng so sánh, cân nhắc và lựa chọn cho mình hình thức vay tốt nhất, phù hợp với điều kiện và nhu cầu vay vốn của bản thân.
Nội dung
Những khác biệt cơ bản giữa vay tín dụng tiêu dùng thế chấp và tín chấp
1. Về đặc điểm
Đối với vay tín dụng tiêu dùng cá nhân, vay thế chấp và tín chấp là hai hình thức phổ biến. Trong đó, các khoản vay được sử dụng để giải quyết những nhu cầu tiêu dùng đa dạng của con người, từ cơ bản như mua sắm, du lịch, giải trí đến những nhu cầu cao hơn như xe cộ, đất đai, nhà cửa, hoặc thậm chí là vay vốn kinh doanh.
Có thể nói, vay tiêu dùng thế chấp và tín chấp mang những đặc điểm khác biệt và có phần đối lập nhau, ngay từ trong tên gọi. Trong khi vay thế chấp tiêu dùng yêu cầu tài sản đảm bảo, thì vay tín chấp lại hoàn toàn dựa trên uy tín của người đi vay, không cần tài sản thế chấp. Để có cái nhìn tổng quát về những khác biệt cơ bản của hai hình thức vay này, hãy cùng tham khảo bảng so sánh dưới đây:
Vay tiêu dùng thế chấp | Vay tiêu dùng tín chấp | |
Yêu cầu tài sản đảm bảo | Có. Tài sản thế chấp đa dạng từ bất động sản (nhà cửa, đất đai, căn hộ…) đến xe cộ, phương tiện vận chuyển, giấy tờ có giá trị… | Không, hoàn toàn dựa trên uy tín của người đi vay |
Hạn mức vay | Lên đến 70-80% giá trị tài sản đảm bảo | Gấp 10 lần thu nhập trung bình hàng tháng, tối đa 100 triệu đồng |
Thời hạn vay | Từ 1-10 năm (tùy hạn mức vay và tổ chức tín dụng) | Từ 12-48 tháng |
Lãi suất | 7-10%/năm | 18-35%/năm |
Thời gian phê duyệt và giải ngân | 4-5 ngày (do phải trải qua quy trình thẩm định tài sản thế chấp) | 1-2 ngày |
2. Về ưu/nhược điểm
Từ bảng so sánh những khác biệt cơ bản nêu trên, ta có thể dễ dàng nhận ra ưu/nhược điểm của hình thức vay tín dụng tiêu dùng thế chấp và tín chấp. Trong đó:
- Ưu điểm: Vay tiêu dùng thế chấp mang lại lợi thế về lãi suất thấp và hạn mức vay cao (tùy thuộc vào mục đích vay và tài sản thế chấp), trong khi đó vay tiêu dùng tín chấp lại chiếm ưu thế về thời gian giải ngân nhanh, không bị ràng buộc về tài sản đảm bảo hoặc giấy tờ khai báo mục đích vay vốn.
- Nhược điểm: So với vay tín chấp, vay thế chấp có lãi suất thấp hơn nhiều nhưng lại yêu cầu tài sản đảm bảo có giá trị tương đương hoặc lớn hơn khoản vay, đồng thời người đi vay phải đối mặt với rủi ro mất tài sản nếu không có khả năng chi trả. Đối với vay tín chấp, nhược điểm lớn nhất của hình thức vay này là lãi suất, người đi vay nên chọn các tổ chức tín dụng uy tín với điều kiện và thủ tục vay rõ ràng nhằm lựa chọn cho mình mức lãi suất phù hợp nhất.
Về thời hạn vay, cả hai hình thức đều có thời hạn vay dài, phần nào giúp người đi vay giảm bớt áp lực trong việc trả nợ. Tùy từng tổ chức tín dụng mà phương thức trả nợ có thể khác nhau, nhưng nhìn chung khá đa dạng và linh hoạt (như qua internet banking, ATM, ví điện tử, cổng thanh toán phổ biến, dịch vụ ủy nhiệm chi tự động…) giúp người đi vay có thể dễ dàng trả nợ đầy đủ và đúng hạn.
3. Về điều kiện và thủ tục vay
Ngoài sự khác biệt về yêu cầu tài sản đảm bảo, các điều kiện và thủ tục vay của cả hai hình thức đều khá đơn giản, đa phần là các giấy tờ quen thuộc như CMND/hộ chiếu, sổ hộ khẩu, giấy tờ chứng minh thu nhập hàng tháng… Cụ thể:
Đối với vay tín dụng tiêu dùng thế chấp
Điều kiện:
- Có thu nhập ổn định, đảm bảo khả năng trả nợ;
- Có tài sản thế chấp phù hợp với mục đích vay và yêu cầu của từng tổ chức tín dụng;
- Lịch sử tín dụng tốt, không có nợ xấu.
Thủ tục:
- CMND/căn cước công dân đối với công dân Việt Nam hoặc hộ chiếu đối với người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam.
- Sổ hộ khẩu/KT3 hoặc các giấy tờ chứng minh cư trú thường xuyên tại các tỉnh/thành phố, gồm: TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hưng Yên, Bình Dương, Hải Dương, Bắc Ninh, và một số huyện Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bình Định, Thái Nguyên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nam Định, Thừa Thiên Huế.
- Giấy tờ chứng minh mục đích vay vốn (theo mẫu của từng tổ chức tín dụng);
- Giấy tờ chứng minh khả năng tài chính: Hợp đồng lao động, bảng sao kê lương hằng tháng từ ngân hàng, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng thuê nhà…
- Giấy tờ pháp lý của tài sản đảm bảo: sổ đỏ, sổ hồng (đối với nhà đất), giấy đăng ký xe ô tô, xe tải (đối với phương tiện), sổ tiết kiệm…
- Giấy tờ khác theo yêu cầu của mỗi tổ chức tín dụng.
Đối với vay tín dụng tiêu dùng tín chấp
Điều kiện:
- Là công dân Việt Nam hoặc người cư trú, có CMND/căn cước công dân hoặc hộ chiếu;
- Có thu nhập ổn định hàng tháng, đáp ứng khả năng trả nợ;
- Lịch sử tín dụng tốt, không có nợ xấu.
Thủ tục:
- CMND/căn cước công dân đối với công dân Việt Nam hoặc hộ chiếu.
- Đang sinh sống tại các tỉnh/thành phố (như vay tiêu dùng thế chấp).
- Biên bản đề nghị vay vốn và phương án sử dụng vốn.
- Giấy tờ chứng minh khả năng tài chính: Hợp đồng lao động, bảng sao kê lương hằng tháng từ ngân hàng, hợp đồng bảo hiểm…
Vay tín dụng tiêu dùng thế chấp và tín chấp: Hình thức vay nào phù hợp với bạn?
Có thể nói, giữa hai hình thức vay tín dụng tiêu dùng cá nhân nêu trên, không hình thức nào vượt trội hơn hình thức nào. Việc chọn lựa vay tín chấp hoặc thế chấp phụ thuộc chủ yếu vào mục đích vay và số tiền vay của bạn. Nếu bạn có nhu cầu vay vốn cao và có sẵn tài sản đảm bảo, hãy chọn hình thức vay tiêu dùng thế chấp. Ngược lại, nếu bạn chỉ muốn vay tiền để giải quyết các nhu cầu cơ bản thông thường như mua sắm, đóng học phí, giải trí, du lịch… vay tiêu dùng tín chấp sẽ phù hợp hơn cả. Điều quan trọng là bạn cần chọn một tổ chức tín dụng uy tín, cũng như đảm bảo được khả năng trả nợ để vừa giải quyết tốt nhất nhu cầu vay vốn, vừa hạn chế những rủi ro và rắc rối có thể xảy ra.
Hy vọng rằng, những kiến thức về vay tín dụng tiêu dùng thế chấp và tín chấp nêu trên sẽ là căn cứ hữu ích giúp bạn chọn được hình thức vay phù hợp với điều kiện hiện có của mình, nhằm giải quyết tốt nhu cầu vay vốn của bản thân.
Tìm hiểu thêm về vay tín chấp ngay.