Quản lý tài chính cá nhân không hề phức tạp như bạn nghĩ. Chỉ cần theo những bước sau, việc lên kế hoạch quản lý tài chính hoàn toàn nằm trong tầm tay bạn.
Nội dung
Quản lý tài chính là gì?
Quản lý tài chính là việc lên kế hoạch quản lý tài chính, bước đầu giúp bạn biết được nên ưu tiên thời gian vào việc gì, phác thảo trước các dự định trong tương lai và giúp đo lường tiến trình bạn đã thực hiện được. Một kế hoạch tài chính hoàn hảo sẽ giúp bạn tiến lên phía trước mà không phải lãng phí nhiều công sức và tiền bạc vì bạn chỉ tập trung làm điều mà bạn cho là quan trọng. Chỉ cần bạn có một kế hoạch tài chính vững chắc, mọi việc sẽ đâu vào đó. Đặc biệt là, việc quản lý tài chính không hề phức tạp như bạn nghĩ. Chỉ cần theo những bước sau, việc lên kế hoạch quản lý tài chính hoàn toàn nằm trong tầm tay:
1. Đánh giá tình cảnh tài chính của bản thân
Xây dựng một kế hoạch quản lý tài chính cũng giống như lên kế hoạch tập gym vậy. Nếu như bạn chọn bừa một vài động tác để bắt đầu, có lẽ bạn sẽ tự làm bản thân bị thương mà không đạt được hiệu quả nào cả. Bạn cần đánh giá chính xác tình trạng của bản thân, đưa ra chiến lược để giải quyết các điểm yếu của mình và thiết lập các mục tiêu để theo đuổi.
Có vài cách để đánh giá tình trạng tài chính hiện tại. Trước tiên là xem xét giá trị tài sản ròng (net worth). Giá trị tài sản ròng (net worth) là giá trị của tất cả tài sản tài chính và phi tài chính thuộc sở hữu của một cá nhân hoặc tổ chức trừ đi giá trị của tất cả các khoản nợ chưa thanh toán.
Khoản nợ chưa thanh toán bao gồm các khoản như: tiền nợ thẻ tín dụng, vay thế chấp… Thậm chí tiền bạn vay của bố/mẹ cũng được xem là nợ. Những tài sản bạn sở hữu chính là những khoản như tiền trong tài khoản ngân hàng, tiền lương hưu hay phần tiền bạn góp mua nhà. Tài sản và khoản nợ sẽ thay đổi theo thời gian, đặc biệt là khi bạn đã trả hết nợ và bắt đầu dành dụm được nhiều hơn.
Một sinh viên mới tốt nghiệp có thể sẽ có giá trị tài sản ròng ở mức âm, nếu như ngừoi đó mượn tiền mua nhà từ bố mẹ và không có tiền để dành. Sau khi đã trả hết khoản vay, và người đó bắt đầu có thu nhập, thì người đó được xem là có giá trị tài sản ròng dương.
Bạn nên thường xuyên theo dõi giá trị tài sản ròng của mình. Nếu nó theo đà tăng trưởng, tức là đã có sự tiến bộ, và ngược lại.
2. Theo dõi các khoản chi tiêu của bản thân
Một cách khác để đánh giá tình hình tài chính cá nhân, đó là theo dõi dòng tiền, hay nói cách khác, là số tiền bạn đã chi so với thu nhập kiếm được. Nếu như giá trị tài sản ròng giúp bạn hiểu được tình hình tài chính của bản thân, thì dòng tiền sẽ quyết định phương hướng.
Dòng tiền âm đồng nghĩa với việc bạn đang chi tiêu nhiều hơn so với thu nhập, điều này có thể khiến bạn nợ nhiều hơn, có thể dẫn đến vỡ nợ. Ngược lại, dòng tiền dương có nghĩa bạn đang tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được, bạn sẽ có khoản dư dả để đáp ứng các mục tiêu tài chính mà bạn có, ví dụ như để dành, đầu tư.
Một khi đã hiểu về dòng tiền của bản thân, hãy thiết lập một ngân sách. Trong quá trình lên kế hoạch quản lý tài chính, việc vạch ra một kế hoạch ngân sách sẽ giúp bạn hiểu được cái gì cần ưu tiên, và tiền được tiêu đúng chỗ.
3. Thiết lập mục tiêu
Một yếu tố quan trọng trong quản lý tài chính, đó chính là thiết lập mục tiêu. Một khi đã hiểu rõ tình hình tài chính của mình, bạn cần bắt tay vào sử dụng nó. Câu hỏi đặt ra là, bạn muốn làm gì với số tiền mình có? Ví dụ như bạn muốn trả hết các khoản vay, hay bạn muốn nghỉ hưu năm 45 tuổi chẳng hạn.
Hãy liệt kê các mục tiêu và mơ ước của mình. Kế hoạch tài chính nên đi đôi với những điều bạn mong muốn có được trong cuộc sống, dù cho đó là những ước muốn táo bạo.
Có được mục tiêu sẽ giúp bạn có động lực, tiêu ít hơn, bám sát hơn vào ngân sách bạn có và đưa ra những quyết định khó khăn. Các mục tiêu sẽ như lời nhắc nhở, vì sao bạn không đi du lịch nhiều, vì sao bạn còn đi một chiếc xe khiêm tốn. Có thể việc sống có trách nhiệm với tài chính của bản thân đôi khi khiến bạn thật khó khăn, do đó hãy luôn ghi nhớ tại sao ban đầu bạn phải làm như thế. Mục tiêu không phải lúc nào cũng cố định mà sẽ thay đổi theo thời gian. Do đó, kế hoạch tài chính nên được tuỳ chỉnh theo mục tiêu đề ra.
4. Xác định mục tiêu khi quản lý tài chính theo nguyên tắc “SMART”
Bạn có thể lập kế hoạch tài chính hữu ích bằng cách tuân theo nguyên tắc SMART tóm tắt dưới đây:
Specific – Cụ thể: kế hoạch cần phải chi tiết và cụ thể. Đừng viết chung chung như “Tôi muốn nghỉ hưu sớm”, mà hãy đề ra mục tiêu rõ ràng “Tôi muốn nghỉ hưu năm 50 tuổi và có 1 tỷ tiền tiết kiệm”
Measurable – Có thể đo lường: Hãy tìm kiếm một phương pháp giúp bạn theo dõi tiến trình. Bạn có thể dùng một quyển sổ, một bảng tính Excel, một ứng dụng nào đó đều được. Đừng quên kiểm tra và cập nhật kế hoạch hằng tháng nếu cần.
Xem thêm:
- Phương pháp quản lý tài chính cá nhân bằng excel đơn giản dễ áp dụng
Achievable – Có thể đạt được: Mỗi kế hoạch đề ra không nhất thiết phải dễ dàng, thế nhưng nó cần thực tế và có khả năng đạt được. Ví dụ như để dành 200 triệu một năm sẽ là việc không tưởng nếu như bạn chỉ kiếm được 10 triệu mỗi tháng và còn phải chi trả các khoản nợ.
Relevant – Có liên quan: Đây là kế hoạch của bản thân bạn, do đó hãy lên kế hoạch những gì mà chính bạn muốn thực hiện. Ví dụ như nếu như bạn của bạn muốn mua nhà vào năm 30 tuổi, thế nhưng đó không phải là điều bạn muốn đạt được, thì việc lên kế hoạch mua nhà vào năm 30 tuổi sẽ không liên quan.
Time-bound – Có hạn định: Một kế hoạch cần có các cột mốc thời gian để giúp bạn đi đúng hướng.
Một việc khác nên làm đó là hãy luôn xem xét lại kế hoạch của mình một khi kết hôn, có con hay nghỉ việc. Sau một vài tháng, hãy dành chút thời gian xem lại tiến trình và đánh giá vấn đề. Và đừng quên ăn mừng những cột mốc bạn đã đạt được như là một cách để khích lệ bản thân.
Hy vọng với hướng dẫn của Ước mơ và Hạnh phúc, bạn có thể thành công xây dựng thói quen quản lý tài chính thông minh cho mình từ khi còn trẻ. Tham khảo thêm các phương pháp quản lý tài chính khác: